Những ngày cuối tháng 12 Âm lịch, không khí hối hả tại cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Ký túc xá Đại học Thủy Lợi, quận Đống Đa, Hà Nội.
Dọc dãy hàng lang tầng 11, bác sĩ Ngô Văn An, công tác tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng 3 bác sĩ khác lần lượt gõ cửa từng phòng bệnh.
Bà Nguyễn Thị Trung Liên, 60 tuổi, kể với bác sĩ An rằng khi xuất hiện triệu chứng nghi mắc Covid-19, bà đã tự mua thuốc uống. Sau khi xét nghiệm, bà và con trai cùng nhận kết quả mắc Covid-19. Do tuổi cao, bà được chuyển đến cơ sở thu dung tầng 1, thay vì tự cách ly và điều trị tại nhà. Người con trai đi cùng để tiện chăm sóc mẹ già.
Bác sĩ An hướng dẫn bà Liên về thuốc kháng virus Molnupiravir, giải thích những khuyến cáo và thận trọng. Trong khi đó, một bác sĩ khác đo huyết áp cho bà, thông báo chỉ số bình thường.
Cùng phòng với mẹ con bà Liên, một người phụ nữ lớn tuổi xuất hiện tình trạng đau mắt đỏ. Bác sĩ chẩn đoán F0 này bị viêm kết mạc, là triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh nhân Covid-19 và không quá lo ngại.
Một F0 khác chỉ mới 3 tháng tuổi, nằm trên xe nôi, được bác sĩ An thăm khám. Anh dặn người mẹ pha Oresol cho bé uống để ngắt tiêu chảy. Theo bác sĩ, điều quan trọng nhất khi trẻ em mắc Covid-19 là theo dõi tình trạng tiêu chảy và sốt. Tuyệt đối không để trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể dẫn đến bị co giật và ảnh hưởng vỏ não, sau này nguy cơ bị động kinh.
Nếu trẻ sốt, người nhà phải chườm ấm, chỉ dùng thuốc (ưu tiên Paracetamol viên đặt) nếu sau 15 phút trẻ vẫn không hạ nhiệt. Hạn chế dùng thuốc vì chức năng gan, thận của trẻ phát triển chưa đầy đủ.
Chị Đặng Thị Hồng cho biết, hai mẹ con được đưa vào cơ sở thu dung đầu tháng 1. Khi biết con mắc Covid-19, chị như “chết lặng”, nhiều ngày liền mất ăn mất ngủ. Chuyển đến cơ sở thu dung và được các bác sĩ chăm sóc chu đáo, người mẹ dần trút bỏ được gánh nặng trong lòng.
“Hy vọng có thể kịp về nhà đón Tết cùng gia đình”, chị Hồng nói.