Background

Tin tức

Hành trình thăm Trường Sa, Nhà dàn DK1 thêm tự hào về tình yêu đất nước

Kfoundation | 26/06/2023

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, trong chương trình “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc” năm 2023 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, tôi may mắn được đại diện Quỹ Từ thiện Kim Oanh, Tập đoàn Kim Oanh là một trong số ít đơn vị tài trợ đồng hành và tham gia hành trình đến thăm, động viên quân và dân ở các đảo trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Anh Nguyễn Đức Ngọc – thành viên Quỹ Từ thiện Kim Oanh trong chuyến hải trình đến quần đảo Trường Sa. Trong ảnh, nhà giàn DK1, nơi các chiến sĩ sinh hoạt, giữ gìn biển đảo

Nhìn lại hành trình 07 ngày lênh đênh trên biển để về với Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió thiên liêng của Tổ quốc. Tôi biết ơn sự tạo sự điều kiện của lãnh đạo Kim Oanh Group đã hỗ trợ để tôi có thể tham gia chuyến hải trình ý nghĩa này. Đó ắt hẳn mãi là kỷ niệm đáng nhớ mà tôi không thể nào quên trong đời.

Là một Đảng viên trẻ được kết nạp và trưởng thành từ các hoạt động phong trào từ năm cấp 3, sau đó, tiếp tục được rèn luyện ở môi trường Đại học cho đến khi đi làm cũng được gắn bó với công tác Đoàn – Hội một thời gian. Qua thời gian gắn bó với công tác Đảng, Đoàn, Hội, tôi được học, được tìm hiểu nhiều về Trường Sa, Hoàng Sa, về chủ quyển biển đảo quê hương. Và khi được thực sự đặt chân đến Trường Sa, đến miền xa thắm của Tổ quốc tôi mới thực thấu hiểu rõ nỗi vất vả, thiếu thốn của quân và dân trên đảo.

Ấy vậy mà quân và dân luôn bền chí, một lòng giữ gìn từng tấc đất mà cha, ông ta đã đổ biết bao máu xương để giữ gìn. Càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của một Đảng viên, một công dân nước Việt với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tôi thực sự vỡ òa khi tàu KN-290 đến đảo đầu tiên – Song Tử Tây. Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn nên việc trung chuyển bằng xuồng nhỏ lên đảo gặp rất nhiều khó khăn nên chỉ được khoảng hơn 20 người trong đoàn đại diện lên bờ, tặng quà quân và dân trên đảo. Tuy chỉ đứng trên tàu nhìn từ xa nhưng trong lòng tôi cũng dâng lên niềm xúc cảm, tự hào khó nói thành lời.

Hành trình tiếp theo lên đảo Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa lớn thuận lợi hơn. Tất cả mọi người tham gia đều lên được đảo, được tận mắt nhìn thấy cuộc sống, sinh hoạt của dân và quân trên đảo. Đoàn công tác chúng tôi như quên đi mọi mệt mỏi bởi hành trình dài hơn 02 ngày trên biển mới nhìn thấy được đảo đầu tiên.

Hình ảnh hiên ngang, khí phách của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn khi tham gia lễ chào cờ, duyệt binh làm tôi nổi gai óc. Không khí đầy tự hào trong buổi lễ… tất cả NGHIÊM… tiếng Quốc ca vang lên giữa muôn trùng khơi Trường Sa nắng gió. Dưới Quốc kỳ tung bay phấp phới, các chiến sĩ với làn da cháy nắng dõng dạc 10 lời thề danh dự của quân nhân làm ai dâng trào một cảm xúc khó tả. 

Và một khoảnh khắc mà đã để lại trong lòng tôi nhiều ấn tượng và nhớ ngay khi nhắc về hành trình Trường Sa ấy là khoảng khắc mọi người trở lại tàu sau các hoạt động thăm hỏi, giao lưu trên đảo Trường Sa lớn. Buổi tối hôm ấy, sau đêm văn nghệ đầy khí thế hào hùng, mọi người tập trung di chuyển lại tàu để chuẩn bị rời đảo, tiếp tục hải trình đi Nhà dàn DK1/2.

Sinh hoạt, văn nghệ trên đảo Trường Sa lớn cùng các chiến sĩ

Giây phút bịn rịn, lưu luyến ngay khi tôi bước chân từ đảo ra đến tàu. Và giây phút tàu rít lên tưng hồi còi, bắt đầu rời đảo. Trên đảo, tất cả quân và dân xếp thành ba hàng thẳng tắp. Trên tàu, mọi người đứng kín cả một bên mạn tàu. Tàu bắt đầu rời đảo, những cái vẫy tay đầu lưu luyến, nước mắt dâng trào. Những tiếng hô vang từ tàu: “Tổ quốc vì Trường Sa”. Và quân dân trên đảo cùng đồng thanh: “Trường Sa vì Tổ quốc”. Điệp khúc hào hùng ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi tàu đã khuất xa. Thực sự chưa bao giờ tôi có được cảm giác ấy, tôi cũng lặng đi một hồi lâu, nhìn xa xăm về phía đảo cho đến khi con tàu đã rất xa, đảo đã không còn nhìn được thấy rõ.

Thực sự khi đến các đảo và giây phút rời đi, tôi đã không cầm được nước mắt. Nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc, nước mắt của sự tự hào, trước sự thiếu thốn, sự xa xôi, hiểm nguy mà quân và dân phải đương đầu. Nhưng càng không thể cầm được nước mắt khi đứng trước Nhà dàn DK1/2, nhìn thấy được 01 bên là nhà dàn cũ (chừng hơn 20 m2), kế bên là nhà dàn mới được xây dựng nhìn vững chãi hơn, kiên cố hơn, và được bố trí một số thiết bị hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp khi có bão làm tôi cũng an tâm cho các anh chiến sĩ phần nào. Nhưng thấy cảnh quanh năm, bốn bề là nước, quanh năm sóng vỗ. Tôi lại nhớ đến lời bài hát: “Giữa mênh mông vẫn khát/ Không uống được anh ơi” (Bài hát: Đừng Ví Em Là Biển, Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, Thơ Minh Thiện), tôi lại càng xót xa, quý trọng các anh chiến sĩ hải quân phải ngày, đêm đối diện với biết bao gian lao, nguy hiểm. Tôi tin rằng, nếu ai được một lần đến Trường Sa quay về sẽ yêu thêm Tổ quốc Việt Nam mình hơn rất nhiều.

Biết ơn và trân trọng cả những kỷ niệm buồn, vui trong suốt hành trình. Những giây phút vỡ òa cảm xúc, khóc như một đứa trẻ khi con tàu KN290 rời các điểm đảo và tiếp tục hải trình. Giây phút ấy, tôi chợt nhớ đến bài thơ Tiếng hát con tàu của nhà thơ Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Đúng vậy “đất bỗng hóa tâm hồn”, giây phút ấy tâm hồn người như hòa với đất, với trời Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam ta.

Tin tức liên quan