Kfoundation | 21/11/2022
Thông tin chiến dịch: Lớp học tình thương Thiên Ân đang gặp khó khăn khi phải di trì bữa ăn trưa cho học sinh nhập cư. Nếu bữa ăn không diễn ra, rất có thể các em phải nghỉ học và trở lại với công việc đường phố.
Tiếp bước tương lai, giúp trẻ nhập cư thêm cơ hội được học
“Nếu không có lớp học này, có lẽ con đã đi lượm ve chai, phế liệu giống cha con. Đi học, con biết được chữ và có nhiều bạn bè. Con vui lắm. Ước mơ của con sau này sẽ trở thành một nhân viên văn phòng”.
Đó là lời chia sẻ của em Trương Minh Nhân, lớp 5, đang theo học tại Lớp học tình thương Thiên Ân. Nhân cho biết, nhà em có 6 người và tất cả rời quê từ An Giang lên thành phố Hồ Chí Minh để mưu sinh bằng nghề ve chai, nhặt phế liệu. Hồi mới lên, em thường theo cha để phụ việc và chăm em. Nên việc học với em là xa xỉ mà vốn dĩ nó là hiển nhiên đối với tất cả trẻ em.
Lớp học tình thương Thiên Ân, nằm ở số 69, đường 5A, khu phố 20, phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh do Giáo xứ Thiên Ân sáng lập và hoạt động hơn 20 năm qua. Lớp học hiện nay có 233 em, trong đó có nhiều em bị khiếm khuyết và được chia làm 07 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Hầu hết, các em là trẻ nhập cư, con em của lao động nghèo không đủ điều kiện đến trường.
Theo sơ Thảo, để có lớp học như ngày hôm nay, các sơ phải rất nổ lực để thuyết phục phụ huynh, vận động cho con trẻ đến lớp. “Có nhiều gia đình họ không đồng ý vì trẻ là một phần lao động trong nhà, vì cho con đi học, họ sẽ mất đi khoản thu nhập” – Sơ kể.
XEM VIDEO:
Khó khăn di trì lớp học
Lớp học không chỉ riêng của các em tại quận Bình Tân, mà lớp còn đón nhận các hoàn cảnh khó khăn khác từ quận, huyện lân cận. Học sinh ở đây mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung là ước mơ được đi học. Có em đến lớp bằng xe đạp, có em đi bộ và cũng có em được tình nguyện viên lớn tuổi đưa đón gần như miễn phí.
Sơ Thảo cho biết, nhiều năm trước khi lớp học mở ra các em chỉ học được một buổi trong ngày, buổi còn lại các em phải đi làm, phụ giúp cha mẹ. Có em đi bán vé số, đi đánh giày, nhặt ve chai, hoặc giữ em tại nhà…
“Nếu không làm vậy, gia đình họ không cho con đi học nữa vì mất đi thu nhập. Vấn đề này các Sơ cũng trăn trở lắm, nhưng không biết làm thế nào. Mãi đến nhiều năm sau mới có cách giữ chân các em ở lại để học nốt buổi chiều” – Sơ Thảo bày tỏ.
Biết được khó khăn ấy, một số đơn vị chung tay hỗ trợ, trong đó có Quỹ Từ thiện Kim Oanh, không chỉ giúp các em có những buổi học chất lượng mà còn có những bữa trưa sum vầy đầy tình thương. Tất cả đều miễn phí. Cũng chính đều này, phụ huynh của các em đã nhìn nhận lại và dần thay đổi suy nghĩ, họ ủng hộ việc học của các con và quan tâm tương lai của con cái nhiều hơn.
Thế nhưng, nguồn hỗ trợ ấy rồi cũng dần cũng cạn, việc duy trì bữa ăn, lớp học cho học sinh đối với các Sơ tại Thiên Ân trở nên khó khăn.
“Sơ biết Tập đoàn Kim Oanh cũng đang gặp nhiều khó khăn, và các đơn vị khác cũng vậy. Nếu không có bữa trưa thì lớp học cũng không biết làm sao để duy trì được, vì các em phải ăn trưa ở đây rồi tiếp tục học ca chiều” – Sơ Thảo mong nhận được sự chung tay của cộng đồng.
Để lo cho lớp học, các Sơ tranh thủ ngày chủ nhật bán cơm cháy trước lớp tình thương với hy vọng có thêm nguồn kinh phí. Nhưng tiền lời chẳng thấm thía vào đâu.
Hồi năm 2021, Quỹ Từ thiện Kim Oanh (thuộc Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh) đã tài trợ bữa trưa cho lớp học tình thương Thiên Ân với số tiền gần 400 triệu đồng, san sẻ sự khó khăn của Giáo xứ Thiên Ân.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Kim Oanh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế, thay mặt lớp học tình thương Thiên Ân, Quỹ Từ thiện Kim Oanh rất mong cộng đồng Heo Đất và người dùng Ví MoMo chung tay cùng lớp học Thiên Ân giúp trẻ nhập cư có thêm cơ hội được học tập. Mỗi suất ăn hôm nay, có thể sẽ làm thay một cuộc đời mai sau.
Mỗi sự đóng góp dù lớn hay nhỏ của anh/chị, đều đáng quý. Chúng tôi thay mặt 233 trẻ nhập cư, chân thành cảm ơn và trân trọng !
Theo báo cáo Phân tích tình hình trẻ em tại TP.HCM năm 2017 do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và UBND TP.HCM thực hiện, lần đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM tổng hợp dữ liệu về trẻ em ngoài nhà trường (trẻ em trong độ tuổi học giáo dục phổ thông nhưng chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) trong năm học 2014 – 2015. Tính riêng trong tổng số trẻ em ngoài nhà trường ở độ tuổi 5 tuổi và tiểu học thì trẻ nhập cư chiếm phần lớn, lần lượt chiếm tỷ lệ 92% ở độ tuổi 5 tuổi và 86,4% ở độ tuổi tiểu học. Điều này cho thấy trẻ em nhập cư tiếp cận giáo dục rất hạn chế.
Một số hình ảnh tại lớp học Thiên Ân