Kfoundation | 12/06/2019
Trong bài viết có sử dụng các hình ảnh từ các Báo VOV, Nhân Dân, Tiền Phong, Photobucket, An ninh Thủ đô…
Tuol Sleng Museum – Bảo tàng diệt chủng mang mã số S21 (Security Prison 21) từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” dưới thời Khmer Đỏ nằm trên con phố nhỏ mang tên Toul Svay Prey (phía nam thủ đô Phnom Penh – Vương quốc Campuchia)
Đoàn chúng tôi đến đây vào một ngày trời nắng trong xanh của tháng 6/2019. Mỗi thành viên đều được ban quản lý di tích phát cho 1 bộ chuyển đổi ngôn ngữ và 1 tờ hướng dẫn để tiện cho việc tham quan. Nơi đây không được quay film, chụp ảnh nên Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện nơi “Lò sát sinh” này bằng những hình ảnh sưu tầm, tổng hợp được từ các nguồn.
Máy chuyển đổi ngôn ngữ này sẽ thay thế thuyết minh viên hướng dẫn trong suốt quá trình tham quan vừa là chuyển tải rõ nội dung và vừa đảm bảo không gian yên tĩnh cần thiết, tránh xô bồ nơi di tích. Mỗi người có thể tham quan điểm này hoặc điểm kia trước và khi cần nghe lại có thể bấm vào các số định danh theo bảng chỉ dẫn.
Chuyến tham quan lần này Đoàn Kim Oanh Group đi cùng với Ban quản lý di tích nhà tù Côn Đảo – Bà Rịa Vũng Tàu vừa là tham quan và sau là học tập sử dụng công nghệ để chuyển tải thông tin lịch sử đến với du khách để từ đó áp dụng trong quá trình giới thiệu những cứ tích, điểm nhấn nơi di tích nhà tù Côn Đảo trong suốt thời kỳ đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam cũng như giới thiệu văn hóa đời sống của đồng bào huyện Côn Đảo đến với khách du lịch. Ý định tài trợ hệ thống chuyển đổi ngôn ngữ đã được bà Đặng Thị Kim Oanh – Tổng Giám đốc Kim Oanh Group nghĩ tới trong chuyến thăm tặng quà từ thiện cho người dân Campuchia vào năm 2017. Khi tham quan nhà tù S21, Bà nhận thấy chế độ tàn khốc của quân Khmer Đỏ nơi nhà tù này cũng không thua kém gì nhà tù Côn Đảo hay Phú Quốc của chúng ta nên triển khai áp dụng mô hình chuyển đổi ngôn ngữ này trước là thống nhất nội dung cần truyền tải và cũng là để du khách quốc tế có thể tìm hiểu kỹ những mốc tích lịch sử và có nhân vật kiểm chứng khi sử dụng máy này.ểu kỹ những mốc tích lịch sử và nghe chia sẻ từ những người trong cuộc. |
Vào thập niên 1960 nhà tù này vốn là trường trung học ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đến thập niên 1970 quân Khmer Đỏ đã lấy ngôi trường dùng làm nhà tù và đặt tên là Tuol Sleng, mã số S-21. Vào cuối năm 1975, khu giam giữ này đã được hợp nhất dưới sự chỉ huy của Kang Keck Ieu – một cựu giáo viên. Dutch – một lãnh đạo Khmer Đỏ – nắm cương vị GĐ nhà tù Toul Sleng từ tháng 6.1976 cho đến ngày quân tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Năm 1975, sau khi Khmer Đỏ giành quyền cai trị, Pol Pot đã chỉ thị xóa sạch sự hiện diện của các cửa hàng, các khu chợ, trường học, đền thờ và thậm chí là các trụ sở công quyền, trừ vài khu nhà ở để tiếp các đoàn ngoại giao. Tại Phnom Penh, hàng rào dây thép gai quây kín các nhà máy, các cơ quan công quyền và hầu như ở Phnom Penh không còn bóng dáng của người hay vật nuôi.
Mặc dù đã được đọc nhiều tài liệu, xem băng hình, nhưng có đến tận nơi, tận mắt chứng kiến những nhục hình ở S21 mới thấy hết sự dã man của Khmer Đỏ. Ngôi trường có diện tích 600 x 400 m hình chữ L với 2 lầu 1 trệt thực sự là địa ngục trần gian. Cả dãy phòng học trở thành dãy buồng giam dài, xây bằng gạch, đóng khung gỗ, sát nhau, tối om. Tù nhân trong các buồng giam nhỏ bị xích chân bằng sợi xích lớn chôn dưới nền nhà hoặc đóng chặt vào tường, còn tù nhân ở các buồng giam lớn hơn thì bị cùm vào những thanh cùm dài. Lúc chúng tôi đến là đã gần 50 năm nhưng trên tường, trần và sàn nhà vẫn còn loang lổ vết máu thâm đen.
Đứng giữa nơi trước đây là địa ngục trần gian, hàng đoàn người đến từ khắp nơi trên thế giới đều cúi đầu kính cẩn, bước đi chầm chậm, nhẹ nhàng như sợ làm kinh động những oan hồn dường như đang còn vất vưởng nơi đây.
Đã có đến 17.000 người bước qua cánh cổng nhà tù Tuol Sleng nhưng chỉ có một số ít người sống sót. Cứ 1 nạn nhân bị bắt vào đây, chúng cũng sẽ cho bắt toàn bộ các thành viên trong gia đình kể cả trẻ em mới đẻ cũng bị đưa vào giam giữ chung trong nhà tù. Những nạn nhân có quốc tịch khác nhau như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand, Australia, nhưng phần lớn là người Campuchia. Họ đủ thành phần: nông dân, công nhân, kỹ sư, thợ cơ khí, dân trí thức, giáo viên, giáo sư, học sinh và thậm chí là công sứ, nhân viên ngoại giao…
Vừa bước qua khỏi cánh cổng sắt, cảm giác ghê rợn liền ập đến: Đầu tiên là 14 ngôi mộ không có bia nằm ngay lối vào trên một khoảnh sân xi-măng lát sỏi dưới tán cây chămpa. Đây chính là 14 nạn nhân vô danh cuối cùng của nhà tù Tuol Sleng. Thi thể của họ được tìm thấy khi bộ đội tình nguyện Việt Nam giải phóng khu vực này. Những bức ảnh về cái chết của họ còn được lưu lại bên trong các phòng tra tấn, nơi mà giờ đây vẫn còn vương vãi những vệt máu thâm đen trên nền nhà và tường.
“Khoảng 7 giờ sáng 7/1/1979, nghe tin Phnom Penh giải phóng, bọn cai ngục hoảng sợ bắt những tù nhân còn lại tháo chạy theo chúng. Khi đến gần cổng, thấy bộ đội Việt Nam xuất hiện bên kia đường, chúng đè nghiến 14 người nằm sấp xuống đất để cắt cổ. Khi nghe tiếng súng từ bên ngoài vang lên, chúng hoảng hốt bỏ chạy, không kịp cắt cổ 4 người còn lại, trong đó có tôi”. Ông Chum Mey (ảnh) cho biết.
Quân tình nguyện Việt Nam đã tìm thấy tại đây hàng ngàn tài liệu bằng tiếng Khmer, hàng ngàn bức ảnh và phim âm bản, hàng trăm cuốn sổ và số lượng lớn các bài viết của Khmer Đỏ về nhà tù này, và từ đó bí ẩn của tòa nhà này dần được phục dựng.
Con số 14 cũng chỉ là “hạt cát” nếu so sánh với 17.000 tù nhân (có nguồn thống kê khác cho rằng con số này thậm chí còn là 20.000) từng bị giam giữ tại đây.
Những nạn nhân vô tội bị giam trong những dãy buồng giam nhỏ dài được xây kín bằng gỗ, gạch, san sát nhau không ánh sáng, diện tích chưa đầy 2 mét vuông, chân bị xích bằng sợi xích to chôn chặt vào tường hoặc nền xi măng. Còn những tù nhân bị giam trong buồng giam lớn bị xích một hoặc cả hai chân vào những thanh cùm ngắn hoặc dài. Mọi tù nhân đều phải nằm ngủ trên sàn nhà. Cùm nhỏ dài chừng 0,8-1m được thiết kế để xích khoảng 4 người còn cùm dài 6m thì xích 20-30 người. Mọi nạn nhân đều phải nằm ngủ trên sàn nhà lạnh lẽo. Hàng ngày, tù nhân phải dậy từ lúc 4h30 để chuẩn bị cho các cuộc thẩm vấn. Mọi nạn nhân phải thức dậy, kéo quần xuống tận đầu gối để cai tù kiểm tra, sau đó phải thực hiện một số động tác thể dục như đứng lên ngồi xuống, giơ tay cao cho dù chân vẫn bị cùm. Nếu phạm nhân nào vi phạm các quy định nhà tù đề ra sẽ bị phạt từ vài chục gậy. Khi ngủ, muốn đổi tư thế nằm, các tù nhân cũng phải xin phép cai tù. Trời thì nóng bức mà cứ cách 2-3 ngày hoặc thậm chí nửa tháng tù nhân mới được tắm…
Sự giết người man rợ của chế độ Khmer đỏ còn hiển hiện đậm nét tại “lò sát sinh” là dãy nhà gồm 14 phòng. Trong phòng chỉ kê được một cái giường sắt và hộp đựng đồ tra tấn. Khi bị gọi lên đây, nạn nhân bị tra tấn man rợ đến chết.
Một dãy phòng khác là nơi lưu giữ hình ảnh những gương mặt với đủ trạng thái cảm xúc ngơ ngác, sợ hãi, căm phẫn, cầu cứu, đến nét ngây thơ của những đứa trẻ. Họ được đưa đến đây để thực hiện việc hợp thức hóa tội trạng và sau đó bị mang đi hành quyết.
Tôi đi dọc hành lang vắng lặng, băng ngang qua những phòng tra tấn, tự hỏi không biết bao nhiêu thi thể tù nhân đã bị kéo lê lết qua đây? Bao nhiêu tiếng khóc than ai oán vang lên từ những căn phòng chết chóc này?
Ngày nay, tại các phòng giam, người ta còn trưng bày những bức ảnh, tranh vẽ sống động về thời đó, từ hình ảnh chiếc ghế sắt để nạn nhân ngồi chụp hình, các phạm nhân bị đánh đập tàn nhẫn, các cánh đồng chết đẫy rẫy xương của những người bị Khmer Đỏ giết hại và những bức vẽ mô tả lại cảnh phạm nhân bị tra tấn.
Những dụng cụ tra tấn tù nhân
Những người tù ở đây bị tra tấn vô cùng tàn bạo, có khi kéo dài hàng tháng trời cho tới lúc chịu họ “thú tội” hoặc chết vì kiệt sức và bệnh tật. Sau khi thú tội, họ bị đưa đi hành quyết một cách man rợ. Một trong những hình thức tra tấn phổ biến ở S21 là rút móng tay, móng chân; đổ axít vào mặt, khoét ngực để thả rết, dùng búa, rìu, roi đánh đập… Những vết máu bắn ra của nạn nhân vẫn còn in đậm trên sàn, tường và trần nhà.
Thật rùng mình, kinh hãi vì những tội ác Khmer đỏ tàn sát người dân vô tội. Thăm nơi này tôi lại nhớ tới những chiến sĩ cộng sản của ta bị tra tấn cho tới chết trong nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo…
Ánh mắt của những phụ nữ và trẻ em – nạn nhân của Khmer Đỏ – như dõi theo mỗi bước chân của tôi tại đây. Dường như tôi nghe thấy tiếng nói đau thương của những nạn nhân đã bị tàn sát. Họ yêu cầu công lý”
Bản đồ Campuchia được ghép từ sọ người
Norng Chan Phal (một trong 4 đứa trẻ được cứu sống bởi quân tình nguyện Việt Nam) cho biết đỉnh điểm nỗi sợ hãi là khi anh và người em trai bị lũ Pol Pot giằng ra khỏi tay mẹ để đưa sang phòng giam khác. Đó cũng là lần cuối cùng hai anh em được nhìn thấy mẹ, họ không thể biết điều gì đã xảy đến với bà sau đó, ánh mắt của người mẹ trong giờ khắc ấy trở thành nỗi ám ảnh với họ suốt cả cuộc đời. Người em trai của Norng sau này không bao giờ dám quay trở lại nhà tù (dù nay đã trở thành Bảo tàng) do bị ám ảnh quá nặng nề bởi những ký ức hãi hùng.
May mắn đến với Norng Chan Phal khi quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng cách mạng Campuchia giải phóng Phnom Penh, lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào ngày 07/1/1979. Khi bộ đội Việt Nam tiến vào nhà tù, xung quanh là cảnh tượng chết chóc, u ám và tĩnh lặng như tờ, anh em Norng Chan Phal nép sát vào đống quần áo được gom lại ở một góc phòng không dám nhúc nhích, họ nhìn thấy những người lính tay cầm súng nên rất hoảng sợ.
“Những người lính Việt Nam đưa chúng tôi ra khỏi đống quần áo tù nhân. Họ thấy người chúng tôi đầy vết muỗi cắn, côn trùng đốt, không được ăn mấy ngày nay rồi. Họ đã lấy hơn một nửa túi gạo đem bên mình, nấu cơm cho chúng tôi, đợi chúng tôi ăn xong, thì họ mới đi.”- Norng Chan Phal kể.
Bà Kim Oanh cầm trên tay tấm ảnh chụp quân tình nguyện Việt Nam giải cứu 4 đứa trẻ ở nhà tù S21 và chụp ảnh chung với nhân vật chính trong bức ảnh, anh Norng Chan Phal. (Trong tấm ảnh bên phải trên cùng anh là đứa trẻ thứ 2 từ phải qua)
Chỉ vào bức ảnh 4 đứa trẻ trần truồng được những người lính Việt Nam bế ra khỏi nhà tù S-21, Norng Chan Phal cho biết khi đó lũ trẻ ở trong tù không có quần áo để mặc, người bẩn thỉu, máu me. Bộ đội Việt Nam đã nhanh chóng bế các em lên, ôm vào lòng và đi qua những dãy xác người bốc mùi dọc nhà tù đưa các em ra ngoài. Nói đến đó, bất chợt ánh mắt Norng Chan Phal sáng lên, nhìn thẳng vào chúng tôi, anh quả quyết: Người sinh ra tôi lần thứ hai là bộ đội Việt Nam. Nếu bộ đội Việt Nam tới chậm ít ngày nữa, chắc chắn 4 đứa trẻ chúng tôi không thoát khỏi số phận như hàng nghìn trẻ em xấu số khác trong nhà tù này.
Thành viên đoàn dâng hương tưởng niệm nạn nhân tại nhà tù S21
Hàng nghìn chiến sỹ, bộ đội Việt Nam đã phải hy sinh xương máu để hồi sinh dân tộc Campuchia trong sự biết ơn sâu sắc của nước bạn. Tờ Pracheachun (Nhân dân) của Ðảng Nhân Dân Campuchia (CPP) bình luận “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Polpot, trên thế giới này có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu nhưng chỉ có duy nhất người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”
Còn Tiến sĩ Chhay Yiheng Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia, phát biểu “Điều gì còn đọng lại trong trái tim người dân Campuchia về Việt Nam trong thế kỷ 20, đó là lòng biết ơn, đó là tình hữu nghị, là hình ảnh về một đội quân nhà phật từ cõi thiện xa xôi đến cứu giúp nhân dân Campuchia”.
Đoàn dâng hoa tưởng niệm, tri ân các chiến sĩ, chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng Khmer Đỏ.
Sau gần 50 năm, các thế hệ người dân Campuchia vẫn luôn trân trọng biết ơn những người lính tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã đổ bao xương máu để đất nước Chùa tháp thoát nạn diệt chủng, hồi sinh. Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh và tại các đô thị khác lúc nào cũng rực rỡ hoa tươi và luôn đón nhiều lượt người trên khắp đất nước về đây thăm viếng. Máu và ân tình Việt Nam thấm đẫm mảnh đất Campuchia, trở thành biểu tượng thiêng liêng của tình đoàn kết hữu nghị lâu đời, bền vững.